Trà Phú Sỹ - Nhà máy sản xuất Trà Oolong, Nguyên liệu pha chế

Các loại trà Phổ biến dùng trong Pha chế

Thứ Tư, 13/11/2024
Pảo

Trà sữa chắc hẳn đã là thức uống mà hầu hết mọi người đều biết đến. Tùy vào nguyên liệu và cách pha chế của từng người mà những ly trà sữa mang đến cho thực khách có từng hương vị riêng. Nhưng yếu tố quyết định rõ nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến trà sữa chắc chắn là trà.

Điều gì tạo ra sự khác nhau giữa các loại trà phổ biến hiện nay, loại trà nào ngon nhất để tạo ra trà sữa? Cốt trà làm trà sữa là chè tươi phải không? Đó là những câu hỏi hầu như nhiều người đặt ra khi thưởng thức trà sữa, cũng như mới bắt đầu vào ngành pha chế.

Hơn 10 năm qua, thị trường trà sữa hiện nay đã cho ra nhiều loại trà sữa khác nhau với các công thức cũng như sử dụng nguyên liệu khác nhau. Cách để nhận biết các loại trà sữa phụ thuộc vào loại trà được sử dụng trong pha chế. Có 3 loại trà được sử dụng nhiều nhất trong pha chế trà sữa hiện nay đó là trà ô long, trà xanh và trà đen. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu từng loại trà xem loại trà nào được ưa thích nhất nhé.

1. Trà Xanh

Đây là loại trà được xem là đặc trưng ở Việt Nam, hầu hết các loại trà nước ta đều thuộc nhóm trà xanh. Có hình dạng móc câu, được trồng nhiều ở vùng Thái Nguyên, khi pha cho ra nước màu xanh hoặc vàng, vị chát mạnh nhưng không gắt. Trà xanh trải qua 4 bước chính là hái búp, làm héo, vò và sấy. Để không bị oxi hóa thì ngay từ khi búp trà được hái xuống, người ta đã rất nhánh trong công đoạn làm héo và ngăn chặn quá trình oxy hóa bằng cách hấp hoặc xào. Do đó mà trà vẫn giữ được màu xanh.

Trà xanh dùng trong pha chế trà sữa có hai loại là trà xanh không ướp hoa và trà xanh ướp hoa.

  • Trà xanh không ướp hoa

Hay còn được gọi là trà xanh móc câu, có thành phần 100% lá trà. Đặc điểm nhận biết là có cánh trà nhỏ, được vò kỹ, mức oxi hóa thấp chỉ từ 5-10%, nước trà cho ra có màu vàng xanh đậm, thoảng hương cốm non, vị đậm, ít chát, hậu ngọt. Vì vậy đây là loại trà thích hợp trong pha chế trà trái cây.

  • Trà xanh ướp hoa

Tiểu biểu cho dòng này chính là cái tên trà lài. Được ướp từ hoa lài tươi thơm theo tỉ lệ thích hợp. Trà khi pha cho ra nước cốt màu vàng xanh đậm, vị đậm, ngọt, ít chát, thơm hương lài khi thưởng thức. Loại trà này thường ít dùng trong pha trà sữa, thay vào đó người ta thường dùng pha các loại trà trái cây

2. Trà Ô Long

Từ xa xưa, loài trà này được biết đến là loại trà thượng hạng, chủ yếu tiến cống cho vua chúa. Trà Ô Long không được lên men hoàn toàn như các loại trà khác mà chỉ lên men tự nhiên từ 8-80 %.Đây cũng là loại trà truyền thống của Đài Loan.

Cái tên Ô Long bắt nguồn từ hình dáng của trà sau khi chế biến xong, trà thường có màu đen à hình giống con rồng. Khuyết điểm của loại trà này chính là dễ bị dập nát, vỡ vụn trong quá trình vận chuyển. Do vậy, người ta đã vo tròn lại để hạn chế tối đa việc dập nát trong quá trình vận chuyển, và đó cũng là hình dáng mà ta thấy hiện tại. Hương vị của trà Ô Long khác nhau rất nhiều giữa các chủng loại, nhưng chung quy lại thì trà có vị ngọt của trà cây, có mùi hương tựa như mật ong, đôi lúc có mùi hương gỗ hay mùi của hoa rừng. Vị trà đậm đà, hậu vị kéo dài, có thể pha được nhiều lần nước.

Chất lượng của trà Ô Long phụ thuộc vào 3 yếu tố

  • Khí hậu: thường trà Ô Long được trồng ở độ cao 800 – 1600m
  • Kỹ thuật canh tác: từ việc chọn giống trồng, phân bón, nước,… đến khâu hái trà. Luôn được thực hiện và giám sát một cách nghiêm ngặt.
  • Kỹ thuật chế biến: trải qua hơn 48 tiếng liên tục trong nhà máy, trải qua nhiều công đoạn mới cho ra những lượt trà Ô long chất lượng nhất.

Các quán trà sữa cao cấp hoặc chuỗi cửa hàng đồ uống dùng chủ yếu là trà Ô Long rang bởi hương vị đậm, thơm. Thường được phục vụ cho khách hàng là người đi làm, vì yêu cầu cao trong hương và vị trà.

Bên cạnh đó hiện nay cũng đã có nhiều nơi dùng Ô Long xanh trong pha chế trà sữa. Bởi vì mùi của loại này tươi hương của lá vẫn còn giữ nguyên, vị nhạt hơn Ô Long rang.

3. Trà đen 

Đây là loại trà được dùng phổ biến nhất trong pha chế trà sữa. Trà đen hay còn được gọi là hồng trà, thường có vị mạnh mẽ hơn so với các loại trà khác. Ngoài ra trong trà đen có chứa nhiều caffeine hơn nhờ quá trình ủ và cho lên men sau khi phơi khô.

Có hai loại chính đó là trà đen rang và không rang.

  • Trà đen rang

Sau khi được oxi hóa 100% thì trà đen được đem đi rang để tăng thêm hương vị cho trà. Đa phần các loại trà Đài Loan đều rang để có hương vị đậm hơn. Cốt nước trà cho ra có màu đậm, thích hợp pha chế các loại trà sữa.

  • Trà đen không rang

Được sử dụng ngay sau khi oxi hóa 100%. Có vị chát nhẹ, vị đậm, ngọt, thơm. So với trà đen rang thì trà có vị và màu nhạt hơn. Đây là loại trà được sử dụng nhiều trong pha chế cả trà sữa và trà trái cây.

Ngoài 3 loại trà trên, hiện nay có một loại trà được nhiều bạn trẻ tò mò tìm tới đó là trà gạo rang. Đúng với cái tên gọi, đây là loại trà được kết hợp từ gạo nâu hoặc gạo lứt trắng được rang lên và  trộn cùng với lá trà xanh. Đường từ tinh bột của gạo làm cho trà có hương thơm ấm áp, tương tự như các loại hạt. Nước cốt từ trà gạo rang thơm, dễ uống, cũng rất phù hợp với vị ngậy của bột sữa.

Có thể thấy, các loại trà dùng pha trà sữa khác nhau sẽ cho vị trà sữa khác nhau, tùy theo sở thích của khách hàng mà bạn có thể chọn một hương vị trà phù hợp. Để có thể hiểu được rõ hơn kiến thức chuyên sâu của các loại trà này trong pha chế  thì việc đăng ký một khóa pha chế là cần thiết trước khi bạn muốn mở quán trà sữa của chính mình.

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Messenger